Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

HANG ĐỘNG Ở KỲ QUAN VỊNH HẠ LONG 2

Hang động trên Vịnh Hạ Long

Dưới đây là những câu chuyện kể về truyền thuyết và sự phát hiện các hang động ở Vịnh Hạ long. Ngoài ngắm cảnh bạn còn biết thêm những gửi gắm của người xưa trong câu chuyện về hang động ở Hạ long.
Do cấu tạo bởi địa hình đá vôi nên Vịnh Hạ Long có khá nhiều đảo có hang động. Tuy không đẹp bằng động Phong Nha (Quảng Bình) nhưng một số hang động trên Vịnh Hạ Long cũng là những thắng cảnh có tiếng, từ lâu đã trở thành tuyến điểm trên hành trình tham quan Vịnh Hạ Long.

Nổi tiếng nhất phải kể tới là hang Đầu Gỗ, nằm trên đảo cùng tên. Về tên gọi của hang, có ý kiến lý giải truyền thuyết kể rằng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo đã cho chuẩn bị nhiều cọc gỗ lim ở đây để cắm xuống lòng sông Bạch Đằng, vì thế mà hang có tên là hang Dấu Gỗ, lâu ngày dân gian gọi chệch đi thành Đầu Gỗ(?). Cuốn Meivelle de Monde (Kỳ quan thế giới) của Pháp xuất bản năm 1938, phần giới thiệu các danh thắng nổi tiếng thế giới, đã tôn vinh hang Đầu Gỗ là “động của các kỳ quan” (Grotto des meivellis). Hang Đầu Gỗ được chia làm ba ngăn. Ngăn phía ngoài có hình vòm cuốn, trần hang trông giống như một bức “tranh sơn dầu” khổng lồ vẽ phong cảnh thiên nhiên hoang sơ. Năm 1917, vua Khải Định tới thăm hang Đầu Gỗ, ngỡ ngàng trước cảnh đẹp thần tiên của tạo hoá đã làm bài thơ ca ngợi cảnh đẹp của non nước Hạ Long, rồi truyền cho khắc bia đá. Hiện nay, tấm bia đá vẫn còn bên phải cửa động. Trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca dao: Hồng Gai có núi Bài Thơ/ Có hang Đầu Gỗ, có chùa Long Tiên - minh chứng cho vẻ đẹp và sự nổi tiếng của hang.
Nằm ở trung tâm của di sản thế giới Vịnh Hạ Long là hang Sửng Sốt thuộc đảo Bồ Hòn. Người Pháp trước đây gọi tên đảo Bồ Hòn là Grotto les Suprices (động của những sửng sốt). Hang Sửng Sốt nằm trên tuyến hành trình: Bãi tắm Ti-tốp - hang Bồ Nâu - động Mê Cung - hang Luồn - hang Sửng Sốt. Đường lên hang Sửng Sốt luồn dưới những tán lá rừng, những bậc đá ghép cheo leo. Hang Sửng Sốt gồm hai ngăn chính với rất nhiều nhũ đá tạo thành voi đá, hải cẩu, mâm xôi, hoa lá…
Cùng nằm trên dãy đảo Bồ Hòn là hang Trinh Nữ. Người Pháp xưa gọi tên hang là Grotto le Virgin (động của người con gái). Về tên gọi của hang, truyền thuyết kể rằng xưa có một người con gái vạn chài xinh đẹp, nhà nghèo. Thấy cô gái xinh đẹp, tên địa chủ trong vùng đã ép gia đình gả cô cho hắn làm vợ bé nhưng cô gái không chịu vì cô đã có người yêu. Không ép được cô, tên địa chủ đã đày cô ra đảo hoang. Một đêm mưa gió bão bùng, cô gái đã kiệt sức và hoá thành đá. Biết tin, chàng trai mải miết bơi thuyền tìm cô. Giông tố ập đến khiến thuyền chàng vỡ nát, chàng trai dạt lên đảo hoang. Chàng trai bèn lấy đá gõ vào vách núi để báo rằng chàng đã đến. Chàng gõ cho đến khi tay chảy máu đầm đìa, kiệt sức và hoá đá. Nơi chàng hoá đá nay chính là hang Trống (hay còn gọi hang Con Trai), đối diện với hang Trinh Nữ.
Dài nhất và còn giữ được nhiều vẻ nguyên sơ nhất trong các hang động trên Vịnh Hạ Long là hang Hanh, thuộc phường Quang Hanh (Cẩm Phả). Hang có chiều dài 1,3km, chạy xuyên qua dãy núi Quang Hanh ra biển. Muốn vào hang chỉ có thể đi thuyền nan nhỏ và đợi khi nước thuỷ triều xuống thấp và phải mang theo đèn điện vì trong hang tối đen. Hang hồ Động Tiên cũng là một hang động đẹp. Đặc biệt, trong hang còn giữ được rất nhiều dấu tích về sự vận động của địa chất hình thành hang động, thạch nhũ...
Trong nhiều năm qua, các hang động luôn là điểm đến của du khách khi tới tham quan Vịnh Hạ Long. Bên cạnh mang lại nguồn thu cho hoạt động du lịch, việc lắp đặt hệ thống ánh sáng, dấu chân, hơi thở của du khách thải ra khí cacbonic… đã tác động không nhỏ, làm ảnh hưởng tới môi trường của các hang động. Vấn đề này đã nhiều lần được các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo.
Nguồn: baoquangninh.com.vn
Đại Dương

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Tổng số lượt xem trang

XEM VIDEO

Translate

Theme Support

Travel News